Năm 2019: Tăng trưởng mạnh về nhu cầu tuyển dụng nhân sự
Năm 2018 vừa trôi qua và nền kinh tế Việt Nam vẫn còn để lại nhiều dấu ấn đẹp khá rõ nét. Ông Gaku Echizenya, Tổng giám đốc Tập đoàn Navigos Group Việt Nam, đã có những chia sẻ nhằm phác họa bức tranh tuyển dụng việc làm năm 2018.
Năm 2018 vừa trôi qua và nền kinh tế Việt Nam vẫn còn để lại nhiều dấu ấn đẹp khá rõ nét. Ông Gaku Echizenya, Tổng giám đốc Tập đoàn Navigos Group Việt Nam, đã có những chia sẻ nhằm phác họa bức tranh tuyển dụng việc làm năm 2018. Và qua đó là những dự báo về lĩnh vực việc làm trên thị trường lao động Việt Nam năm 2019 dưới con mắt của nhà tuyển dụng….
Thưa ông, như vậy là năm 2018, GDP của Việt Nam tăng trưởng cao. Điều này đã phản ánh như thế nào qua việc tuyển dụng nhân lực? Ông nhận xét thế nào về mối quan hệ nguồn cung, cầu nhân lực lao động trực tuyến của các nhóm ngành nghề năm 2018?
Nhìn tổng quan thì nhu cầu tuyển dụng trực tuyến trên toàn quốc năm 2018 tăng khoảng 10% so với năm 2017. Năm 2018, Top 5 các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất lần lượt là: Bán hàng; Tài chính/đầu tư; Hành chính/Thư ký; IT – Phần mềm; Marketing.
Nếu so với năm 2017, khi đó ngành nghề bán hàng ở vị trí thứ 10 thì nay đã vươn lên từ lên top 1 về nhu cầu tuyển dụng còn ngành nghề tài chính/đầu tư trong năm 2017 không xuất hiện ở top 10 về nhu cầu tuyển dụng nhưng năm nay lại vươn lên nằm ở vị trí thứ 2. Đó là những thay đổi đáng kể.
Đặc biệt, công việc dành cho người có kinh nghiệm vẫn đang thống trị thị trường tuyển dụng năm 2018, chiếm 72% nhu cầu tuyển dụng. Tiếp theo lần lượt là công việc cho cấp quản lý (Trưởng phòng) chiếm 17%; Sinh viên mới ra trường chiếm 8% và giám đốc chiếm 3%.
Về nguồn cung lao động, ứng viên có kinh nghiệm chiếm 73%; cấp trưởng phòng chiếm 18%; Sinh viên mới ra trường chiếm 6% và giám đốc chiếm 3%.
Tuy nguồn cung lao động trực tuyến trong năm nay cũng tăng cao hơn so với năm trước, nhưng tốc độ tăng trưởng của nguồn cung vẫn chỉ bằng gần một nửa nguồn cầu.
Mặc dù nguồn cung đang có dấu hiệu thiếu hụt, nhưng đồng thời xuất hiện khả năng sẽ dư thừa nguồn nhân lực trong tương lai gần ở một số lĩnh vực, theo đó các ngành này không nằm trong danh sách top 10 các ngành tăng trưởng về nhu cầu tuyển dụng, nhưng lại trong danh sách top 10 ngành nghề có nguồn lao động tăng trưởng mạnh nhất. Có thể kể đến như: Bán sỉ/bản lẻ; hoạch định/dự án; Thu mua/Vật tư/Cung vận; Quảng cáo/Khuyến mãi/Đối ngoại.
Còn về tình hình tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao trong năm qua ra sao? Và liệu yếu tố chuyên môn có thể làm thay đổi cấu trúc thị trường lao động như thế nào, thưa ông?
Đối với tình hình tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao, chúng tôi ghi nhận về sự tăng trưởng về nhu cầu tuyển dụng rất mạnh của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Về nguồn cung lao động, ngành sản xuất đang đối mặt với một thực tế khan hiếm nguồn nhân lực tại địa phương, thậm chí là các khu vực lân cận, do vậy nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận tìm nhân sự tại thị trường phía Nam để ra làm việc tại khu vực phía Bắc.
Đối với các vị trí quản lý, việc tuyển dụng này còn gặp những khó khăn do yêu cầu cao về việc đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế trong việc vận hành liên quan đến tính tuân thủ, tính kỷ luật, đồng thời mặc dù có kinh nghiệm quản lý, nhưng nhiều ứng viên ở cấp độ này lại không thành thạo tiếng Anh, vốn tiếp tục là một điểm yếu của nhiều nhân sự cấp trung người Việt, đặc biệt trong mảng sản xuất.
Vấn đế chuyên môn ảnh hưởng đến cấu trúc thị trường lao động ra sao thì một báo cáo của VietnamWorks về “Triển vọng nghề nghiệp và xu hướng kỹ năng từ 2018 – 2022″ đã chỉ rõ; trong tương lai 5 năm tới đặc thù công việc và cấu trúc lao động sẽ thay đổi cục diện của nhu cầu tuyển dụng.
Theo đó, các chuyên gia nhân sự nhận định nhân tố khoa học – công nghệ nào sẽ thay đổi thị trường lao động trong 5 năm tới, “robot hóa và tự động hóa” được dự đoán sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến thị trường với 59% ý kiến đồng ý của các chuyên gia nhân sự.
Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghệ thông tin gồm sự phát triển của “mạng di động, công nghệ điện toán đám mây” và “năng lực xử lí của máy tính và dữ liệu lớn” cũng được dự đoán sẽ gây thay đổi thị trường lao động với lần lượt 57% và 54% ý kiến đồng tình.
Với bức tranh tuyển dụng trong năm 2018, ông đánh gía như thế nào về triển vọng việc làm, nhân sự của các nhóm ngành nghề trong năm 2019, thưa ông?
Theo dự báo của VietnamWorks, danh sách top 10 những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất năm 2019 bao gồm: Tài chính/đầu tư – bán hàng – hành chính/thư ký – kế toán – IT/phần mềm – marketing – chăm sóc khách hàng – kiểm toán – Internet/online media và xây dựng.
Bên cạnh đó, chúng tôi dự báo sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ về nhu cầu tuyển dụng nhân sự trong năm tới, thông qua một khảo sát của VietnamWorks có 74% nhà tuyển dụng cho biết nhu cầu về nhân lực của họ sẽ tăng lên.
Trong đó, 33% doanh nghiệp có kế hoạch tăng mạnh về quy mô nhân sự khi nhu cầu tuyển dụng cao trên 30%, trong đó 15% sẽ tăng từ 30 – 40%; 15% tăng từ 40 – 50% và 3% tăng đến trên 50%.
Về nhu cầu nhân sự cấp trung và cấp cao, lĩnh vực công nghiệp sản xuất vẫn tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt là: May mặc, dệt may, da giày, điện tử,…do tác động bởi nguồn vốn FDI tăng cao, đồng thời các doanh nghiệp phái Bắc đều có nhu cầu mở rộng quy mô.
Đặc biệt, hình thức tuyển dụng số lượng theo dự án (RPO) hoặc hình thức “tuyển dụng trọn gói cho doanh nghiệp mới” (one stop – recruiting) cũng sẽ được các doanh nghiệp sản xuất và các doanh nghiệp nước ngoài mới vào Việt Nam có nhu cầu sử dụng tăng cao.
Nguồn: VnEconomy